Sáng 21/5 Việt Nam sẽ có nhật thực hình khuyên

Vào rạng sáng ngày 21/5, chúng ta có thể chứng kiến một phần nhật thực hình khuyên. Đây là 1 sự kiện thiên văn được nhiều người chú ý trong tháng 5 này.

Trao đổi với phóng viên, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời và quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất đều là hình elip nên khoảng cách giữa các thiên thể không phải là cố định mà có sự thay đổi.

Về cơ bản, khoảng cách từ Mặt Trời tới Trái Đất gấp khoảng 400 lần giữa Trái Đất với Mặt Trăng và đường kính của Mặt Trời cũng lớn hơn đường kính của Mặt Trăng với tỷ lệ tương tự. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này dẫn tới việc trong những lần nhật thực toàn phần, Mặt Trăng có thể che vừa khít Mặt Trời.


Nhật thực hình khuyên

Tuy vậy, có những trường hợp nhật thực xảy ra khi Trái Đất đang nằm ở những điểm gần Mặt Trời và Mặt Trăng thì lại nằm ở điểm xa Trái Đất trên quỹ đạo. Lúc này Mặt Trăng không thể che hết Mặt Trời mà để lại một phần rìa sáng có dạng như một chiếc nhẫn, gọi là nhật thực hình khuyên.

Hiện tượng nhật thực hình khuyên sắp diễn ra chỉ có rất ít khu vực trên thế giới có thể quan sát được. Các khu vực đất liền có thể quan sát hiện tượng này bao gồm một phần phía Tây nước Mỹ và một phần Đông Á.

Theo tính toán của NASA, thời gian nhật thực hình khuyên diễn ra từ khoảng 4 giờ 12 phút và kết thúc vào khoảng 6 giờ 13 phút sáng 21/5 theo giờ Việt Nam – tức là khi Mặt Trời mới mọc chưa cao.

Anh Sơn cũng cho biết, vào ngày 21/5 tại Hà Nội mặt trời mọc vào lúc 5 giờ 17 phút, điều này đồng nghĩa với việc vào thời điểm 5 giờ 20 phút mới có thể quan sát thấy nhật thực từ phía Đông – khi nhìn về phía chân trời. Tại các đô thị, không thể nhìn thấy chân trời thì thời gian quan sát sẽ muộn hơn.

Với việc sự kiện thiên nhiên kỳ thú này sẽ kết thúc vào 6 giờ 13 phút, anh Sơn cho rằng đây là khoảng thời gian khá ngắn để quan sát. Đó là chưa kể buổi sáng sớm thường có mây và chút sương đêm nên sẽ cản trở phần nào việc quan sát.

“Người yêu thiên văn nên quan sát hiện tượng nhật thực bằng các dụng cụ hỗ trợ bảo đảm an toàn cho mắt như: hộp tạo ảnh Mặt Trời hay kính polymer đen. Không nên quan sát bằng kính thiên văn, ống nhòm, camera”, anh Sơn khuyến cáo.

Bạn có thể theo dõi phản hồi của bài viết này bằng RSS 2.0 feed. Bạn có thể để lại phản hồi, hoặc để lại trackback từ trang web của bạn.
2 phản hồi

Để lại phản hồi