Lợi và hại của việc uống cà phê mỗi ngày

Tác dụng lớn nhất của cà phê là làm tinh thần phấn chấn, tỉnh táo. Khi mỏi mệt uống một ly cá phê sẽ hưng phấn tinh thần, uống sau khi ăn sẽ trợ giúp cho tiêu hoá, mùa hè nóng bức uống một ly cà phê lạnh cũng có tác dụng giải khát, phòng cảm nắng. Nhưng nếu uống quá nhiều cà phê sẽ có ảnh hưởng xấu.

Lợi của cà phê

Cà phê thường bị chỉ trích vì có chứa caffeine là một chất gây nghiện và có hại cho cơ thể. Nhưng nếu dừng ăn uống tất cả những gì các nhà khoa học khuyến cáo, có lẽ chúng ta chỉ còn lại bánh mỳ và nước lã cho các bữa ăn hàng ngày. Cũng giống như những loại thực phẩm khác, nếu sử dụng cà phê với lượng vừa phải, nó thực sự sẽ đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích.

1. Cà phê làm cho chúng ta thoải mái và dễ tính hơn:

Hoạt chất trong cà phê là caffeine – một chất tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây hưng phấn. Điều này chắc ai cũng nhận thấy sau 10-15 phút uống chút cà phê. Sự sảng khoái ấy tác động đến cả tâm lý, khiến người ta dễ tính, sẵn sàng bỏ qua những chuyện vặt vãnh, sẵn sàng gật đầu. Chất caffeine có trong cà phê có tác dụng tăng cường năng lượng cho cơ thể. Chất này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi sự buồn tẻ của những công việc đơn điệu, nó cũng phát huy tác dụng đối với những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe đường dài hoặc trông người ốm trong bệnh viện.

Ngay cả khi chúng ta mệt mỏi, một tách cà phê sẽ giúp tăng cường các công việc đòi hỏi nhiều đến hoạt động trí óc như tính toán các con số hay nhận diện từ vựng. Do vậy, uống một hai tách cà phê mỗi ngày, một tách sau bữa sáng và một tách sau giấc ngủ trưa sẽ khiến chúng ta tránh được tình trạng uể oải thường thấy đối với những công việc văn phòng.

2. Cà phê làm tiêu mỡ:

Khi chúng ta dùng một chế phẩm caffeine hòa trong rượu cồn, caffeine sẽ thấm qua da và kích thích các tế bào giải phóng axit béo, nhờ vậy giảm được lớp mỡ đọng. Uống trà và cà phê dưới 2 ly mỗi ngày sẽ giúp bạn đẩy mạnh được sự chuyển hóa chất béo. Nhưng cà phê cũng là một con dao hai lưỡi tại chính nơi đọng mỡ. Nếu bạn dùng trên 2 ly, nó thúc đẩy sự tuần hoàn cục bộ làm tích tụ các chất độc ở đây.

3. Cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen và chữa được dị ứng:

Một công trình ở Ý, theo dõi trên 70.000 người đã khẳng định caffeine là “khắc tinh” của bệnh hen. Nếu uống từ 2 đến 3 ly cà phê mỗi ngày, nguy cơ bị các cơn hen tấn công giảm được 28%. Cà phê rất có ích trong việc chế ngự các phản ứng dị ứng của những người hay bị triệu chứng này. Vì nó có tác dụng làm giảm sự giải phóng histamin vào trong máu, vốn là nguyên nhân gây dị ứng.

4. Cà phê giúp giảm đau:

Những loại thuốc giảm đau thường chứa caffeine. Bởi cà phê đẩy nhanh tác dụng của các chất làm giảm cơn đau bằng cách giúp cho chúng được hấp thụ nhanh chóng.

Một tách trà hoặc cà phê nóng có thể làm bạn khỏi đau đầu là điều mà ai cũng biết. Quả vậy, nếu những chất làm giãn mạch thường gây đau đầu thì caffeine lại làm cho mạch máu co lại. Những thuốc giảm đau chứa caffeine thường giảm được liều lượng sử dụng và như vậy có nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào thuốc (vì thuốc là hóa chất, chẳng bao giờ nên dùng nhiều).

5. Cà phê bảo vệ khỏi các bệnh về gan:

Một công trình nghiên cứu năm 2005 trên 10.000 người tình nguyện do Viện Nghiên cứu Quốc gia về bệnh gan, thận và tiêu hóa đã chứng minh rằng caffeine trong cà phê và trà giảm được nguy cơ tổn thương gan do các đồ uống “nặng” và hiện tượng béo phì gây ra. Một nghiên cứu trước đó ở Na Uy đã kết luận ba ly cà phê mỗi ngày có thể giảm tỷ lệ tử vong do xơ gan.

6. Cà phê kích thích hoạt động trí óc:

 GS Scholey nói: “Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng caffeine trong một ly cà phê làm tăng được sự tỉnh táo, minh mẫn và tập trung trong các hoạt động về trí tuệ, làm tăng được tốc độ tư duy.

7. Cà phê làm tăng sức mạnh của cơ bắp:

Cà phê làm tăng sức mạnh khiến người ta có thể nhảy cao hơn, xa hơn, chạy nhanh hơn. Đó là lý do tại các Thế vận hội quốc tế có quy định giới hạn hàm lượng caffeine trong máu các vận động viên trong thi đấu. Năm 2003 một nhóm nghiên cứu tại Viện Thể dục Thể thao Úc tại Canberra nhận thấy các vận động viên uống một chút caffeine trước khi luyện tập có thể tăng thành tích từ 3 đến 30% so với người không uống. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng caffeine kích thích sự đốt cháy chất béo chứ không phải chất đường trong bắp thịt để sinh năng lượng.

 Các nghiên cứu khác chứng minh caffeine làm giảm sự mỏi cơ. Chính vì thế, một cốc cà phê trước các hoạt động đòi hỏi thể lực như chạy bộ, nâng tạ hoặc dọn dẹp nhà cửa sẽ giúp bạn nâng cao hiệu suất của mình rõ rệt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, chất caffeine tăng cường hoạt động co cơ và đẩy nhanh tốc độ sử dụng nguồn năng lượng được lưu trữ ngắn hạn trong cơ bắp của đàn ông.

8. Cà phê chống lại bệnh tiểu đường type II:

Từ lâu người ta đã nghi ngờ có một sự liên quan nào đó giữa caffeine và đường glucoze. Một công trình nghiên cứu trên 160.000 cả nam lẫn nữ đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine xuất bản tại Mỹ cho rằng những ai uống nhiều caffeine (tất nhiên không lạm dụng) thường mắc ít bệnh tiểu đường type II hơn những người uống ít hoặc không uống. Ngay trong số những người “ghiền cà phê”, ai uống cà phê đã khử caffeine có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn người uống cà phê thường. Một công trình nghiên cứu tại Nhật năm 2005 có cùng kết luận này.

Cái hại của cà phê

Sẽ không công bằng nếu chỉ nói đến cái lợi của cà phê. Nó cũng có hại chứ! Nói cho đúng, chỉ là một trong hơn 300 hợp chất thiên nhiên có trong cà phê, nhưng lại là hợp chất chính – caffeine – là đáng kể.

Caffeine là tinh thể trắng, vị đắng, có trong hạt, lá và quả của một số cây (dĩ nhiên phải kể đến cây cà phê trước tiên). Nó có thể làm người ta dùng luôn như một thói quen khó bỏ giống như một chất gây nghiện. Liều lượng cao, nó gây nhức đầu, mất ngủ, nôn mửa, run chân tay…

Dùng lâu dài, caffeine gây táo bón và phụ nữ có thai có thể sinh con nhẹ cân, thậm chí sảy thai.

Tuy cà phê không gây nghiện trầm trọng, nhưng chữa nghiện cà phê cũng khó chịu, làm người ta lo âu, trầm cảm một thời gian. Đối với một số người, thật lạ lùng, cà phê lại là chất gây ngủ. Càng uống nhiều, càng buồn ngủ.

Cafein trong cà phê có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch.Theo kết quả thực nghiệm, tinh cà phê trong 3 ly cà phê có tác dụng ngang với một mũi kích thích. Hai giờ đồng hồ sau khi uống nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao. Vì vậy người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim không nên dùng cà phê.

Cafein có tác dụng lợi tiểu, nếu uống cà phê ban đêm, ngoài tác dụng khó ngủ lại phải thức giấc đi tiểu đêm.

Người sau khi uống cà phê cảm thấy dạ dày khó chịu thì nên ngưng uống. Cà phê đen, đặc có tác dụng kích thích làm tăng tiết acid dịch vị nhiều hơn. Vì vậy tránh uống cà phê vào lúc bụng trống để bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhất là những người đã sẵn yếu dạ dày. Một số người chỉ uống cà phê vào buổi sáng mà không dùng điểm tâm, rất có hại cho sức khỏe, cần bỏ thói quen này.

Cafein có thể gây tương tác với một số dược phẩm như làm mất tác dụng của thuốc an thần gây ngủ, hoặc một số kháng sinh quinolon uống chung với cà phê sẽ làm tăng tác dụng kích thích quá đáng của cafein. Vì vậy, nên tránh uống cà phê với thuốc.

Riêng đối với các bạn sinh viên học sinh, không nên lạm dụng cà phê (kể cả trà đậm) cho việc thức đêm học thi. Do không tổ chức việc học tập, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học nên có một số bạn trẻ gần tới ngày thi mới học dồn, học nén và nhờ đến cà phê thật đậm để có sự tỉnh táo thức đêm gạo bài.

Lưu ý, mệt mỏi buồn ngủ là dấu hiệu cần thiết cho biết cơ thể cần nghỉ ngơi, ngủ đủ. Dùng cà phê để tỉnh táo với cặp mắt mở trao tráo chỉ là sự đánh lừa, thực chất cơ thể vẫn mệt mỏi. Dùng cà phê để thức đêm dài ngày là rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt hại cho trí não là nơi cần có sự phục hồi năng lực nhờ ngủ đủ.

Chuyên mục: Sống Khỏe  Thẻ: , ,
Bạn có thể theo dõi phản hồi của bài viết này bằng RSS 2.0 feed. Bạn có thể để lại phản hồi, hoặc để lại trackback từ trang web của bạn.
8 phản hồi

Để lại phản hồi