Cái tủ lạnh

Tọc tọc… tắc tắc…r r r… ro ro ro ro…

Cái tủ gồng mình làm lạnh cho đám thực phẩm mà nó vừa bỏ vào. Nó không thích đi chợ cũng chẳng thích nấu nướng, cho dù nó là con gái. Nhưng chẳng ai nấu cho nó nếu nó không nấu, thế nên dù ngán ngẩm nó vẫn phải đi chợ vẫn phải tự nấu cho mình hàng ngày.

Cái tủ lạnh nhà nó không to nhưng tuổi thọ của nó cũng đã là một số có hai chữ số, nó không hỏng, vẫn làm việc cần mẫn, chỉ có tiếng kêu là thể hiện sự già nua.

Nó muốn thay cái tủ lạnh, nhưng nó chẳng có tiền, 14 tuổi, nó còn phải dùng tiền của bố mẹ, những đồng tiền nằm trong 2 cái cặp giấy riêng biệt mà mỗi sáng thứ Hai sẽ xuất hiện trên bàn học của nó, một bên ghi “Mẹ”, một bên ghi “Bố”.

images (5)

Nó trầm ngâm khi ánh mắt dừng lại trước ngăn của mẹ. Trống hơn bình thường. Mẹ nó có thói quen đi chợ vào mỗi chiều thứ Bảy và mua đồ cho một tuần. Hôm nay đã là chủ nhật mà ngăn của mẹ vẫn trống. Chắc là mẹ bận, nó nghĩ vậy rồi bỏ một mớ rau xuống ngăn của mẹ, nếu mẹ thấy nhiều rau chắc mẹ sẽ xào.

Nó nhìn ngăn của bố, chỉ chỏng chơ mấy quả trứng. Bố nó hay qua loa với chuyện ăn uống, bố thường mua đồ ăn sẵn nhiều hơn là tự nấu nướng ở nhà. Thế là nó đặt một mớ rau khác xuống ngăn của bố, nếu có rau chắc bố sẽ nấu canh.

Nhà nó luôn luôn lạ lùng và vẫn lạ lùng như vậy đã lâu nhưng dường như ở cái chốn phồn hoa này người ta đã quen với việc sống yên ổn trong căn nhà của mình hơn là để ý chuyện lạ của nhà người khác. Gia đình nó vẫn có 3 người sau ngần ấy năm, sáng sớm, bố mẹ nó đi làm, nó đi học, tối về lại ở cùng một địa điểm. Thế nhưng, cùng một địa điểm thì không có nghĩa là ở cùng nhau và trong tâm trí có nhau.

Không ai biết sự lạnh lẽo của nơi này trừ những người sống ở đó, ngày qua ngày.

Nó chẳng nhớ từ khi nào mà những cái ngăn của chiếc tủ lạnh già cỗi này dán thêm những cái mác “Bố”, “Mẹ”, “Con”. Chẳng biết từ bao giờ nồi cơm điện nhân ra thành 3 chiếc cũng với những cái mác ấy. Cũng chẳng biết từ bao giờ nó thôi cái thói quen rót nước cho bố nó và mẹ nó. Bố nói bố tự rót khi bố thấy nó lấy sai cốc, mẹ thì nhíu mày rồi tự thay bằng cốc khác, cốc của mẹ.

Chẳng ai để ý tới sự xót xa của một cô bé con tuổi trăng non thường thở dài trước những cái mác ấy, trước những đồng tiền được chia 2 nửa mỗi buổi sáng thứ Hai.

Cho gạo vào nồi, đổ nước, cắm phích và nhấn nút, lúc này nó mới để ý cái nồi của bố nó. Khá ấm. Chắc là bố cắm trước lúc ra ngoài. Trưa nay bố nó sẽ về. Nghĩ ngợi, nó mở nắp… hơi nóng nhẹ nhàng lan toả như làn sương… nó đóng lại… nhấn cho cái nút kêu cái “khực”. Ít nhất, nó muốn hâm nóng lại cơm cho bố nó. Nồi của mẹ lạnh tanh. Trưa nay mẹ không ăn cơm ở nhà.

Nấu qua loa vài món, nó trút đám đồ ăn chẳng có gì nhiều và đặc sắc của nó lên khay, nấu nhiều hay ít thì cũng chỉ có mình nó thôi. Xong xuôi nó kéo đám xong chảo ra hì hục rửa. Có tiếng ôtô đỗ trước cửa, chắc là bố nó về. Nó chạy ra chào bố nó rồi lại chạy vào bếp.

Xới cơm lên cái khay, cầm theo bát canh, nó lụi hụi leo lên tầng hai rồi chui tọt vào phòng mình, yên vị trên giường thưởng thức bữa trưa. Tiếng TV của nó vang lên, toàn là những ngôi sao nó thích đang xuất hiện trên màn hình.

Có tiếng bật bếp ga. Bố sẽ nấu gì đó. Nó hí hửng cười một cái. Vậy là bố đang chuẩn bị nấu mớ rau nó để. Bố mẹ nó là những người bận rộn vì thế họ hay quên việc mình đã mua gì, với nó bây giờ không nhớ như thế lại hay.

Một lát sau, nó rón rén bước xuống cầu thang.

Bố nó ngồi lặng lẽ bên bàn ăn. Bát canh nghi ngút khói, vài món ăn đơn giản vừa được hâm nóng bằng viba.

Nó thấy sao bố nó cô độc đến thế, thế là nó quay lên, lấy khay đồ ăn rồi ngồi xuống bàn. Hai bố con nó ăn cơm trong lặng lẽ. Nó gắp cho bố một miếng thịt gà, bố gắp lại cho nó miếng trứng ốp la.

Chỉ có vậy thôi. Chẳng có gì.

Bố nó ngừng ăn, nhìn nó, thở dài.

Nó ngừng ăn, nhìn bố, chờ đợi.

– Con gầy quá!

– Con vẫn thế!

– Tối bố không về…

– Vâng!

Bữa ăn kết thúc. Bố nó dọn bát đũa ra bồn rửa, nó ngăn lại, lắc lắc cái đầu. Nó muốn rửa cho cả hai bố con. Bố nó khẽ xoa đầu nó rồi đi lên tầng. Tiếng TV của bố vang lên, bình luận bóng đá.

Nó nhìn mấy cái bát trong bồn. Bát đĩa nhà nó cũng chia ba. Đồ của bố có những đường kẻ ánh kim, mẹ nó cầu kỳ với những hoa văn thanh thoát trên lớp men ngọc, còn nó, nghịch ngợm với những nhân vật hoạt hình của Walt Disney. Nó xếp bát của bố dưới cái thẻ “Bố”, rồi xếp bát ở ngăn của mình. Xong xuôi nó đem đám rác đồ ăn đi đổ.

Ụp!

Nó nhận ra… nó đổ rác nhầm vào thùng rác của bố. Nó nhòm lom khom xem còn có thể “cứu vãn” được gì không nhưng giờ đây lẫn trong những vỏ gói coffee là mớ đồ ăn thừa lộn xộn. Nó chép miệng, thôi thì đành chấp nhận. Vài miếng giấy vụn rơi ra từ sọt rác của mẹ, vẫn luôn thế, sọt rác của mẹ nhiều nhất là giấy, những dự định của mẹ đang thai nghén ở đó, nhưng… không có gia đình nó ở đó.

……

Chiều muộn, nó thức giấc. TV đã tắt. Chắc bố thấy nó ngủ nên tắt giúp nó trước khi ra ngoài.

Nó lò dò bước xuống nhà.

Mẹ nó đang xào rau, quả nhiên thế, mẹ rất thích món rau xào, nó luôn biết thế.

Mở cái tủ lạnh, ngăn của mẹ đã có một ít đồ ăn, nó ngó nghiêng lên ngăn của nó, có một hộp trứng đặt ở đó.

Nó không mua trứng, nhưng ngăn của nó vẫn có một hộp trứng gà. Ngăn của mẹ cũng có một hộp tương tự. Nó đoán mẹ để cho nó. Mở hộp trứng, nó dự định sẽ ốp la một quả.

Mẹ nó giờ lại đang nấu canh riêu cá, mùi thơm từ cái nồi làm nó cứ hít hà mãi không thôi. Thơm thật, nó không nấu được như thế.

Thấy nó như vậy mẹ nó lên tiếng:

– Mang bát ra đi!

Nó thôi ánh mắt đang dán vào nồi canh, lấy bát của mẹ ra, nhưng mẹ nó lại lắc đầu:

– Lấy bát của con ấy!

Nó rụt rè làm theo. Mẹ nó cho thêm ít rau gia vị rồi múc cho nó một bát canh nghi ngút khói.
Nó cười rạng rỡ. Cất quả trứng đi, nó lôi món cá viên ra rán. Nó thích nhất món này. Ăn cá viên, uống canh cá, cho dù là kỳ quặc cũng được, sở thích ăn uống của nó mà.

Nhìn đĩa cá viên vàng ươm, nó tung tăng rót tương ớt ra đĩa, hí hửng bắt đầu bữa cơm. Bỗng, nó chưng hửng, nó quên mất việc cắm cơm rồi còn đâu.

Mẹ nó nhìn thấy gương mặt chuyển từ vui mừng, phấn khích sang buồn xo của nó, mẹ lấy cơm xới cho nó. Giờ nó mới thấy mẹ nấu rất nhiều cơm, thế là nó lại cười toe toét.

Mẹ ăn cũng đơn giản, chẳng có gì, một đĩa thịt kho, một đĩa rau xào và bát nước luộc. Nó thắc mắc, sao mẹ nấu canh cá mà không ăn nhưng nó không hỏi. Nó cứ cắm cúi ăn mà không lên tiếng.

– Con có người yêu chưa? – Mẹ nó hỏi.

– Con còn nhỏ mà mẹ!

– Không thích ai sao?

– Chắc là khi nào con tìm thấy người dành cho mình!

Nó ngước nhìn mẹ nó, mắt mẹ có gì đó rất buồn, rất u uất. Nó không biết nói gì, xới thêm ít cơm nữa.

Canh mẹ nấu ngon thật.

Khuya, bố nó về nhà. Tiếng cửa gara đóng làm nó thức giấc. Nó nghe tiếng bố rót nước, bố lại đi uống với bạn bè rồi, nó thở dài.

Nó ra khỏi giường, lại rón rén đi xuống bếp.

Bên tủ lạnh, lông mày bố hơi nhíu lại rồi lấy khỏi đó bát canh cá, bỏ vào lò viba.

Bố nó xới cơm nguội ra bát.

Nó rơi nước mắt.

– Bố, để con hâm nóng cơm cho… con dùng lò viba… nhanh lắm!

Dọn dẹp xong, nó lẽo đẽo theo chân bố, phòng của nó và bố cùng tầng, hai cánh cửa đối diện nhau, bố nó dừng chân trước cửa:

– Cảm ơn con vì bát canh!

Bố nó đóng cửa lại… hai cánh cửa đối diện… cách nhau vài bước chân mà những lời nó nói không tới được…

Bố… không phải con… là mẹ…

Những tháng hè của nó trôi qua nhanh chóng, nó lại lao vào học, giờ nó đã lên cấp 3, nó cần chăm chỉ hơn. Day day sống mũi, nó vươn vai, bài tập nó đã làm xong.

Khuya lắm, nó muốn uống nước.

Nó xuống nhà.

Nhà bếp có ánh sáng, nó ngạc nhiên.

Qua khe cửa để hé, bố đứng trước cái tủ lạnh với hai hộp đồ ăn trên tay.

Nó không hiểu.

Bố nó vẫn lặng lẽ chăm sóc gia đình như thế.

Mẹ nó cũng âm thầm chăm lo cho bố con nó như vậy.

Vậy mà vì sao ngăn tủ lạnh phải chia 3, bát chia 3 nơi, cốc nước có 3, nồi cơm có 3 và thùng rác có 3.

Bất chợt, có tiếng bước chân. Nó giật mình, trốn vội sau cái sofa.

Mẹ nó bước vào bếp, cánh cửa nhà bếp rộng mở, bố nó đang bỏ đồ ăn vào ngăn của nó và mẹ.

Mẹ nó lặng im.

Bố nó ngạc nhiên.

Cánh tủ lạnh khép lại.

Ánh sáng biến mất.

Bóng tối phủ kín căn nhà, chỉ còn tia sáng le lói từ những chiếc đèn trên bảng điện, cần mẫn chỉ chỗ của chính mình.

Nó nghe thấy tiếng mẹ nấc…

Nó nghe thấy tiếng bố thở dài…

– Tại sao… anh vẫn không ly hôn với tôi? Anh còn muốn dày vò tôi tới bao giờ?

Lồng ngực nó đau thắt.

Nó biết bố mẹ nó luôn lạnh nhạt với nhau…

Nhưng… những từ đó thì nó không muốn…

Nó chẳng mong gì những điều ấy…

– Anh xin lỗi! – Bố nó nói rất chậm.

– Nhưng con tôi đâu thể sống lại?

Sống mũi nó cay xè.

Mẹ nó đang nhắc tới em trai nó, cậu em đáng lẽ ra phải được sống, được chạy nhảy nô đùa và được hạnh phúc.

Đã lâu rồi…

Mẹ tham gia một khoá học ở nước ngoài, mỗi năm chỉ đi mấy tháng. Có một lần trong suốt khóa học ấy, mẹ nó phát hiện ra mình đã mang thai sau khi sang đó.

Mẹ nó mừng rỡ.

Mẹ nó giữ bí mật với bố.

Mẹ đợi khi về Việt Nam sẽ nói cho bố nghe tin vui ấy.

Xuống sân bay, mẹ lại vội vã tới gặp đối tác để hoàn thiện dự án của mình cùng một người đồng nghiệp công tác cùng ở bên đó.

Đường đi hơi xóc, mẹ bám chặt lên eo chú ấy, chú ấy ngạc nhiên, mẹ giải thích vì mẹ đang có bầu. Chú ấy cười tươi nói mẹ giấu tin tức không công bố cho mọi người để mọi người chúc mừng sớm hơn.

Chú ấy đỡ mẹ xuống xe, dìu mẹ nó lên cầu thang.

– Biết được tin này chắc anh nhà vui lắm!

– Ừ, chắc chắn thế… anh ấy sẽ nói: “Con của chúng ta nhất định sẽ rất giống anh”! – Mẹ nó đặt tay lên bụng.

Nhưng…

Bố nó vẫn tới sân bay đón mẹ nó, dù mẹ nó nói là bố không cần tới.

Bố nó nhìn thấy tất cả…

Nhưng lại không nghe thấy tất cả…

Bố nó nghe thấy những từ cuối …

Bố nó thấy mẹ nó cười hạnh phúc… ánh mắt đầy yêu thương bên người đàn ông khác…

“Con của chúng ta nhất định sẽ rất giống anh”…

Bố nó lao tới… ánh mắt đầy giận dữ…

Mẹ nó hoảng hốt…

Mẹ nó trượt chân…

… Trên những bậc cầu thang…

… Trên chiếc băng ca chở mẹ nó đi cấp cứu…

Em trai nó…

… Vĩnh viễn không thể cất tiếng khóc chào đời…

… Người ta xì xào xung quanh bố mẹ nó … người ta thì thầm… người ta bàn tán… người ta cho là… mẹ nó … có người khác…

Từ đó, những cái ngăn tủ lạnh có mác, lúc đầu là 2… rồi 3… khi nó có thể tự chăm lo cho mình… hoặc… được cho là như vậy…

Nước mắt của nó trào ra… thật nhanh… thật nhanh… nó chạy lên cầu thang… trên đôi chân trần…

Không tiếng động…

Cánh cửa nhà bếp còn mở… tiếng bố nó rất khẽ…

– Không phải chỉ là con của em…

——

Sáng sớm.

Nó dậy từ rất lâu.

Nó xé tất cả những cái bảng tên đáng ghét.

Nó mang hết tất cả đồ ăn trong tủ lạnh ra nấu rồi bày lên bàn.

Bước ra cửa, giầy của bố nó còn trên giá, đôi cao gót của mẹ cũng đang ở nhà.

Nó bước lên tầng, nhẹ nhàng mở cửa phòng bố. Bố nó không ở trong phòng. Nhà tắm không sáng đèn. Nó đưa mắt nhìn lên tầng 3 rồi đi xuống.

Mẹ nó bước xuống.

Mẹ nhìn nó, gương mặt mẹ vẫn còn những dấu vết của nước mắt.

Nó nhìn mẹ, đôi mắt ấm áp chờ đợi bên chiếc bàn đầy thức ăn.

Mẹ nó kéo ghế ngồi cạnh nó.

Bố nó vào bếp.

Nó cho coffee vào cốc, rót nước sôi rồi đưa cho bố.

Bố nó nhìn thứ nước nàu nâu đen sóng sánh trong chiếc cốc mẹ hay dùng.

Cầm lên. Nhấm nháp.

Nó nằng nặc đòi đi siêu thị, kéo bố mẹ nó đi cùng, nó muốn “tự nhận tội” vì đã nấu hết thức ăn.

Mẹ nó cùng nó lên xe, bố nó xoay cái vô lăng, chiếc xe hoà cùng dòng người tấp nập.

Nó dừng chân ở quầy đồ đông lạnh, tay vẫn bám chặt tay mẹ nó, nó quay lại hỏi bố nó đang đẩy cái xe:

– Bố ơi, mua kem nhé bố!

Bố nó gật đầu.

– Vậy bố chọn loại nào mẹ thích đi!

Bố nó hơi lặng người, lưỡng lự… đưa tay lấy hộp kem vị sầu riêng.

– Bố chọn đúng chưa hả mẹ?

Mẹ nó cười dịu dàng.

– Vậy mỗi người một hộp đi bố, con thích vị khoai môn cơ…

Bố nó nhìn mẹ con nó chầm chậm đi phía trước, lấy hộp kem khoai môn cho nó… rồi bỏ thêm vào xe một hộp kem sầu riêng nữa.

Suốt buổi, nó chỉ có mỗi việc nhặt, cân nhắc, bỏ xuống, bỏ vào, chợt… nó dừng lại khi bố nó đứng trước quầy cá đông lạnh, tìm kiếm.

– Anh muốn ăn canh riêu cá! – Bố nó nhìn mẹ nó.

– Vậy… qua chợ… em mua…

… … …

Nó tống đám thực phẩm lỉnh kỉnh vào tủ lạnh.

Mẹ nó đang chuẩn bị món riêu cá.

Bố nó đang loay hoay bên cái nồi cơm bự mà bố mua mấy năm trước bị bỏ quên đến trơ trọi trên gác xép, lau chùi.

Nó đứng trước cái tủ lạnh, đóng cửa lại, nói một câu chắc nịch:

– Con muốn có em!

Cái tủ lạnh cà khổ lại gồng mình làm việc, nó rung rung, lắc lắc, rò rò… vang lên những tiếng reo mừng rạng rỡ.

Nguồn: trasua.mobi

Bạn có thể theo dõi phản hồi của bài viết này bằng RSS 2.0 feed. Bạn có thể để lại phản hồi, hoặc để lại trackback từ trang web của bạn.

Để lại phản hồi